Hơn 20 năm qua, anh Lê Văn Thịnh (SN 1975), một người
thợ sửa khóa bình thường nhưng lại có một việc làm rất cao cả, dắt những trẻ em, người già qua đường.
Do
cuộc sống mưu sinh luôn phải gắn chặt cuộc đời mình với cung đường
(trên tuyến quốc lộ 1A chạy qua địa bàn thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên,
Quảng Nam) có khúc cua mà anh đã chứng kiến hàng trăm tai nạn giao
thông. Nên hơn 20 năm qua, anh Lê Văn Thịnh (SN 1975), một người
thợ sửa khóa bình thường nhưng lại có một việc làm rất cao cả, dắt những trẻ em, người già qua đường.
Dắt học sinh cấp 1 qua ngã ba Nam Phước là công việc hằng ngày không công của anh Thịnh
Một
hành động tưởng bình thường nhưng vô cùng có ích, giúp đỡ hàng trăm
người mỗi ngày trong nỗi lo sợ về một tai nạn mơ hồ khi băng qua đường
nơi này.
Lương tâm mách bảo phải làm...
Một buổi chiều, dừng
chân ở thị trấn Nam Phước, chúng tôi tình cờ được nghe câu chuyện về
anh Thịnh và những việc làm thoạt nhìn chẳng giống ai bởi giữa bộn bề
cuộc sống mưu sinh vô cùng vất vả, anh lại bỏ ra rất nhiều thời gian,
công sức đi làm một việc "vô ích".
Cũng không khó để tôi có thể
tìm đến nơi, bởi người dân ở thị trấn Nam Phước hầu như ai cũng biết đến
anh Lê Văn Thịnh không chỉ bởi anh làm
nghề sửa khóa
rất lành nghề, ngồi ngay ngã ba Nam Phước mà một phần vì thường xuyên
anh dắt học sinh và người già qua đường. Anh khá dễ gần khi một người lạ
như tôi đến bắt chuyện. Với giọng nói to, chất phác, thẳng thắn, anh
bắt đầu tâm sự về đời mình. Đặc biệt, ngồi với anh chưa tới nửa tiếng
buổi chiều mà chúng tôi chứng kiến đến gần 10 lượt người nhờ anh dắt đi
giữa dòng xe cộ đông đúc, xô bồ.
"Chú Thịnh ơi, dắt con qua đường
với!" Chỉ cần nghe thấy vậy, anh lại bỏ dở công việc của mình, một tay
cầm tấm bảng xin đường có dòng chữ : "Stop! Chú ý! Nhường đường cho
người già và trẻ em", một tay nắm tay em học sinh cấp I . Hành động của
anh dứt khoát và rất nhanh, nhất là khi đưa em bé vượt dòng xe cộ đông
nghịt để sang đường.
Với những bước chân quyết đoán, đôi tay và
ánh mắt phối hợp khá nhịp nhàng khi xin đường, anh làm tôi thật sự khá
bất ngờ. Quay trở về nơi
sửa khóa,
ngồi chưa ấm chỗ, lại có một cụ già dắt xe đạp gọi anh dắt giúp. Anh
mỉm cười, đứng dậy, bảo khách thông cảm chờ một chút...Với cụ già này
thì anh thận trọng hơn bởi cụ đi đứng đã yếu, không thể đi nhanh được.
Tách được nửa dòng xe bên này đường. Anh dắt chiếc xe đạp cùng ông cụ
đứng lại giữa đường để vừa xin đường, vừa quan sát. Rồi khi thấy xe đã
tạm ổn, anh mới từ tốn đưa cụ sang.
Giữa
lúc nghỉ ngơi hiếm hoi, anh vừa uống ly nước, vừa nói chuyện, giọng
sang sảng và đặc sệt khí chất người đất Quảng: "Tui làm việc ni cũng từ
năm 19 tuổi tới chừ. Ban đầu, thấy ngã ba ni xe cộ nhiều, tai nạn thường
xuyên xảy ra nên tui không cầm lòng được. Chỗ làm của mình cũng ngay
sát đó chứ mô. Tui cứ thấy học sinh hay người già mô đứng lớ ngớ là chạy
lại liền, hỏi có cần đưa sang đường giúp không. Lâu dần thành quen, chừ
mọi người muốn qua là chạy lại nhờ. Cứ vậy, tui làm theo lương tâm mình
mách bảo mà thôi. Chuyện cũng không có chi mô...". Rồi anh lại cười,
hớp thêm ngụm nước.
Anh bảo, ban đầu một số người châm chọc, bĩu
môi khi thấy anh làm việc này. Nhưng cách đây khoảng 7 năm, khi Công an
thị trấn Nam Phước cấp riêng cho anh một tấm bảng xin đường để thêm hiệu
quả và bớt khó khăn thì mọi người dần hiểu ra, thông cảm với anh. Thậm
chí, nhiều người còn khâm phục anh ra mặt.
Làm nghề sửa khóa,
thu nhập không bao nhiêu. Vợ và ba con nhỏ lại nay đau mai ốm. Thế
nhưng anh thường ngày vẫn ở đây đến 7 giờ tối mới về nhà. Ai cũng bảo
anh dọn về sớm lo cho gia đình chứ ở ngoài đường giờ này cũng đâu còn
khách. Nhưng anh bảo phải đợi cho qua khoảng 5 rưỡi, học sinh về xong
rồi, thời gian còn lại, anh mới rãnh chút ít để tập trung làm khóa cho
khách. Nhiều lúc khách không hiểu, phàn nàn cho rằng anh không cần việc,
vì thấy anh đang
sửa khóa mà cứ cầm bảng xin đường
chạy đi chạy về. Anh vẫn cười. Ai hiểu cho và chờ được thì anh cảm ơn.
Còn như ai có việc gấp đi chỗ khác làm cho nhanh thì anh cũng đành vậy.
May
mắn cho anh có một người vợ rất hiểu chồng. Mỗi khi thấy anh về muộn là
chị biết hôm ấy anh phải dẫn nhiều người qua đường. Thi thoảng chị nhắc
anh phải cẩn thận bởi tài xế bây giờ phóng bạt mạng, không kể mạng
người là gì cả chứ không hề phàn nàn gì. Chị luôn ủng hộ chồng để anh
yên tâm tiếp tục làm công việc ý nghĩa đó. Chính vì thế, anh Thịnh có
thêm nguồn động lực để vượt qua những cái nhìn xoi mói, những lời nửa
đùa nửa thật đầy ác ý của những người không tốt xung quanh.
Bài học giản đơn về Luật giao thông giữa đường đời
Gần
20 năm gắn bó với công việc này, mỗi ngày anh đều cảm thấy vui vì mình
giúp được cho những người qua đường. Nhưng có những nỗi buồn vẫn còn
nguyên vẹn trong anh. Buồn nhất với anh là ý thức của một bộ phận không
nhỏ người tham gia giao thông mà anh đã gặp. Nhiều lúc lực bất tòng tâm,
anh không biết giải quyết thế nào. Vô số những người thờ ơ với mạng
sống của mình và của những người xung quanh khi tham gia giao thông. Đó
là sự vô trách nhiệm, và cũng là tội ác.
Anh vừa làm thợ sửa khóa, vừa đợi hễ có người gọi là lập tức cầm bảng xin đường chạy đi
Trầm
ngâm suy nghĩ một lúc, anh tiếp: "Nhưng chừ nhiều người tham gia giao
thông vô ý thức lắm. Nhiều lúc nghĩ bực mình. Tui đã cầm cái bảng xin
đường dắt người già và trẻ con qua đường giữa lúc xe cộ qua ngã ba Nam
Phước đông nghịt mà nhiều tài xế xe tải, xe khách, thậm chí là người đi
xe máy vẫn không giảm tốc độ, không nhường đường. Nhiều lần suýt chết vì
những kẻ vô ý thức như thế. Nên ở nhà, vợ tui dặn phải hết sức cẩn thận
khi giúp người khác sang đường. Thật sự tui không hiểu nhà trường và xã
hội chừ dạy con người ta cái chi mà ngay cái đạo đức tối thiểu cũng
không biết".
Không những vậy, theo anh Thịnh, ở Nam Phước, cũng
như nhiều nơi trong tỉnh, những người già và trẻ em cũng còn chủ quan vô
cùng. Như vụ tai nạn ngay ở đây, cách đây mấy tháng, làm cháu bé học
cấp 1 tử vong. Người bà chở cháu đi học về, anh thấy, chạy ra bảo để anh
dắt qua giúp. Bà một mực bảo không có gì phải giúp. Nhưng đến khi bà
dắt xe đạp có cháu bé ngồi phía sau đến giữa đường thì hoảng vì xe tải,
xe khách chạy ào ào. Xe đạp ngã, cháu bé văng vào gầm xe tải, tử vong...
Đêm hôm ấy, anh không thể nào ngủ được. Nhưng biết làm sao khi người bà
ấy đã từ chối quyết liệt, không để anh giúp ngay từ đầu...
Với
những đóng góp thầm lặng mà đáng quý của mình, đầu năm 2013, anh đã nhận
được bằng khen của UBND huyện Duy Xuyên về công tác đảm bảo trật tự, an
toàn giao thông ở thị trấn Nam Phước.
Ngay tại hội nghị biểu
dương của huyện dành cho mình, anh Lê Văn Thịnh đã phát biểu rằng việc
mình làm là rất nhỏ, và lương tâm của một
thợ sửa khóa cảm
thấy cần thiết nên phải làm. Anh bảo sẽ làm đến khi sức yếu, không thể
đi lại được mới nghỉ. Nhưng điều buồn nhất của anh là ở đây, ngoài anh
ra, không một ai làm công việc tương tự, dù điều kiện của họ tốt hơn
anh, thời gian nhàn rỗi cũng nhiều hơn anh...
Theo danviet.vn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét